Những nội dung cơ bản và điểm mới của Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị

Đăng lúc: 16:07:51 12/07/2024 (GMT+7)

Ngày 14/6/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 tiếp tục kế thừa và có bổ sung một số nội dung so với Chỉ thị trước đây.

hn-1720591050712866881267.jpg


Những nội dung cơ bản của Chỉ thị

Chỉ thị 35 đề ra 7 yêu cầu bao gồm: Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp. Lãnh đạo tổ chức thảo luận thật kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và Đại hội Đảng bộ cấp trên. Công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy. Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông, chặt chẽ, dân chủ, khoa học, khách quan, công tâm, minh bạch, trách nhiệm giải trình... Có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ “sót” những người thật sự có đức, có tài... Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ cấp trên. Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội phải thường xuyên làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền...

Nội dung đại hội Đảng bộ các cấp: Thực hiện 4 nội dung: Tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2025-2030. Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện Đại hội Đảng bộ cấp trên trực tiếp. Bầu Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030. Bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ cấp trên. Chỉ thị cũng nêu rõ là những nơi thực sự có khó khăn về công tác chuẩn bị nhân sự, được cấp ủy có thẩm quyền đồng ý, thì đại hội với 3 nội dung, chưa tiến hành bầu cấp ủy khóa mới.

Chuẩn bị văn kiện đại hội và tổ chức thảo luận các dự thảo văn kiện: Chỉ thị quy định dự thảo văn kiện của cấp ủy trình đại hội gồm hai báo cáo chủ yếu là báo cáo chính trị của Đảng bộ và báo cáo kiểm điểm của cấp ủy. Việc xây dựng và đóng góp ý kiến vào văn kiện phải phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc; có hình thức phù hợp, thiết thực để lấy ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành, cán bộ nguyên lãnh đạo, giới trí thức, nhà khoa học, chuyên gia và ý kiến tham gia, góp ý, hiến kế của cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Có kế hoạch tuyên truyền về dự thảo báo cáo chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Các cấp ủy chuẩn bị dự thảo nghị quyết đại hội, để đại hội thảo luận, quyết định. Đại hội các cấp phải dành thời gian thỏa đáng, phát huy dân chú, trí tuệ, đề cao trách nhiệm của đại biểu.

Về công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy: Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26 ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89 ngày 4/8/2017; Quy định số 214 ngày 2/01/2020 của Bộ Chính trị khóa XII và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cấp ủy các cấp căn cứ vào yêu cầu, tiêu chuẩn chung nêu tại chỉ thị này để cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình, đặc điểm ở cấp mình theo quy định.

Những điểm mới trong Chỉ thị số 35

Cơ bản thực hiện bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân ở các cấp. Thực hiện bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở cấp huyện, cấp xã đối với những nơi có đủ điều kiện (địa phương có quy mô hợp lý; nhân sự có phẩm chất, năng lực, uy tín, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao; được ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh đồng ý).

Phấn đấu đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên trong mỗi nhiệm kỳ. Thực hiện cơ cấu ba độ tuổi trong cấp ủy các cấp và phấn đấu thực hiện trong ban thường vụ, thường trực cấp ủy.

Tiếp tục thực hiện phân công, bố trí công tác mới hoặc giới thiệu ứng cử ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác đối với các đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương trở lên đã giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp (từ 8 năm trở lên) tại một địa phương, cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 đã điều chỉnh một số nội dung mới, cụ thể:

Về tiêu chuẩn chung cấp ủy viên các cấp: Có nhấn mạnh thêm một số tiêu chuẩn, trong đó: Cán bộ được giới thiệu để bầu tham gia cấp ủy, các chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội (chức vụ cao hơn), nhìn chung phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm (24 tháng); trường hợp đặc biệt có thời gian giữ chức vụ ít nhất là 1 năm (12 tháng), do cấp ủy có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ xem xét, quyết định.

Về độ tuổi lần đầu tham gia và tái cử cấp ủy: Những đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải còn thời gian công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ trở lên. Những đồng chí được giới thiệu tái cử cấp ủy phải còn thời gian công tác ít nhất từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên. Cán bộ tái cử cấp ủy thì được tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhưng phải còn thời gian công tác ít nhất 18 tháng trở lên (thời điểm tính tuổi là thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp, thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức theo quy định).

Về cơ cấu cấp ủy:

- Cơ bản thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương gắn với việc sử dụng, bố trí hài hòa nguồn cán bộ tại chỗ trong quy hoạch; hoàn thành 100% ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện ở cấp xã và các chức danh khác.

- Mỗi đồng chí trong thường trực cấp ủy cấp tỉnh cơ bản không giữ quá 2 chức danh trong các chức danh lãnh đạo tỉnh, thành phố: Bí thư, phó bí thư, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Phấn đấu đạt tỉ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; phấn đấu tỉ lệ cán bộ trẻ (dưới 42 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện; dưới 40 tuổi đối với cấp xã) từ 10% trở lên (tính cho cả nhiệm kỳ).

Về số lượng ủy viên ban thường vụ cấp huyện, cấp xã:

- Đối với cấp huyện: Số lượng ủy viên ban thường vụ cấp huyện từ 11 đến 13 đồng chí; đối với huyện đảo thì không quá 9 đồng chí. Định hướng cơ cấu ban thường vụ cấp huyện tương tự như tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

- Đối với cấp xã: Số lượng ủy viên ban thường vụ cấp xã không quá 5 đồng chí. Định hướng bố trí cơ cấu ban thường vụ cấp ủy, gồm: Bí thư, phó bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân, chủ tịch hội đồng nhân dân, trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc do ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh cụ thể hóa và chỉ đạo ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định cơ cấu cụ thể cho thống nhất và phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ.

Đối với những đảng bộ cấp xã, cấp huyện thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập theo quy định của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư, ủy ban kiểm tra cấp ủy tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập có thể nhiều hơn số lượng nêu tại Chỉ thị nhưng tối đa không quá tổng số lượng hiện có của các đảng bộ trước khi hợp nhất (không bao gồm các đồng chí đến tuổi nghỉ hưu, nghỉ công tác hoặc chuyển công tác khác) và chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày thành lập đảng bộ mới, thì số lượng phải thực hiện theo quy định nêu tại Chỉ thị.

Về quy trình nhân sự cấp ủy, gồm: Quy trình giới thiệu nhân sự tái cử cấp ủy, ban thường vụ, phó bí thư, bí thư cấp ủy và Quy trình giới thiệu nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy, ban thường vụ, phó bí thư, bí thư cấp ủy. Trong đó, quy trình giới thiệu nhân sự tái cử chỉ thực hiện theo 2 bước (khác so với Chỉ thị trước đây thực hiện theo 5 bước).

Sưu tầm

0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc